Kế hoạch của hai bên Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh

Hoa Kỳ

Trong năm 1967, Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) đã đẩy dân thường ra khỏi các khu vực xung quanh khu vực phi quân sự vĩ tuyến 17 để tạo thành vùng "Tự do bắn phá" bất chấp lúc đó đang diễn ra mùa thu hoạch lúa gạo của người dân Quảng Trị. Quân đội Mỹ đã sử dụng hoạt động đốt nhà và đốt ruộng để buộc người dân di chuyển.[19] Ở ngưỡng cửa năm 1968, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, tướng William Westmoreland, quyết định rằng cần phải "thả mồi ngon" lùa quân địch vào bẫy, để buộc tướng Giáp phải đánh nhau theo cung cách quy ước, vốn là sở trường của quân Mỹ. Chiến dịch này mang tên Operation Scotland (từ ngày 1 tháng 11 năm 1967 đến ngày 31 tháng 3 năm 1968), nhận được sự tán thưởng của bộ sậu "diều hâu" ở Mỹ và Sài Gòn, Tổng thống Johnson cho đắp sa bàn Khe Sanh ở Nhà trắng và hằng ngày nghe "giao ban" về chiến sự ở đây. Vậy là, trong vành đai sắt dựng trên khu vực giáp giới với miền Bắc và Lào, ngoài hàng rào điện tử McNamara và hàng loạt căn cứ như Cửa Việt, Cồn Tiên, Đông Hà, Cam Lộ… Khe Sanh được Hoa Kỳ kỳ vọng sẽ là "nam châm" thu hút quân đối phương, để Hoa Kỳ dùng ưu thế hỏa lực tiêu diệt trong một thế trận "Điện Biên Phủ đảo ngược".Cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn (MACV) tập trung nghiên cứu chiến lệ Điện Biên Phủ (Hồ sơ nghiên cứu trận Điện Biên Phủ phục vụ riêng cho Tổng thống Johnson dày hàng chục trang). Cả MACV lẫn Bộ chỉ huy tối cao Hoa Kỳ đều đã nhận thấy Khe Sanh có một thế mạnh căn bản so với không chỉ với Điện Biên Phủ, mà với mọi pháo đài từng có trong lịch sử. Đó là Khe Sanh được hỗ trợ bởi hệ thống hỏa lực cực mạnh, chế áp độc lập từ bên ngoài, gồm hàng chục lần chiếc pháo đài bay B-52 đánh phá mỗi ngày (lấy từ Chiến dịch Arc Light, 1965-1973, theo hồ sơ mật Nhà Trắng), gồm yểm trợ đường không cự ly gần bởi lực lượng khoảng 2.000 máy bay chiến đấu khác của không quân chiến thuật, không lực của Hải quân, không lực của Thủy quân lục chiến, với tần suất 500 lần chiếc ngày, (bay hoàn toàn bằng khí tài) hoạt động được cả trong điều kiện tầm nhìn zero cũng như ban đêm. Và đây đã trở thành "chiến dịch hỗ trợ hỏa lực đường không dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh".[20]

Tuy nhiên, trong số những người ở Washington tin tưởng rằng sẽ có một "Điện Biên Phủ" ở Khe Sanh, không phải nhân vật nào cũng nhất quyết rằng Mỹ chắc thắng được ở đó. Theo thư gửi Tổng thống ngày 10 tháng 1 năm 1968, một đại diện cho khuynh hướng ngờ vực này phát biểu: "Điều đáng lo ngại là sự tập trung của bộ đội Việt Nam ở Lào chống lính thủy đánh bộ đồn trú ở Khe Sanh. Tổng thống nên yêu cầu tướng Westmoreland cân nhắc lợi hại về việc rút khỏi Khe Sanh, nhất là khi Đường 9 đã bị cắt… Tổng thống cần được yên tâm rằng, tướng Westmoreland tuyệt đối tự tin về khả năng đương đầu ở Khe Sanh; vì đây chính là cơ hội tốt nhất để một Điện Biên Phủ xảy ra. Mà kẻ địch thì đang tìm kiếm một trận Điện Biên Phủ". Cho dù thông điệp đầu năm 1968 của Tổng thống Mỹ đầy khích lệ, nhưng mối lo ngại về cái dớp "Điện Biên Phủ" vẫn lơ lửng trong phòng bầu dục. Có lần, Johnson quay về phía các trợ lý quân sự và hét to: "Quỷ tha ma bắt cái trận Điện Biên Phủ kia đi!".

Nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow kể: "Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ rằng Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa. Và họ đã làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington. Thậm chí, họ còn yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh vì đó là danh dự của nước Mỹ"[21]. Westmoreland sau đó đã viết rằng: "Washington lo ngại rằng một số từ ngữ nặng nề mà tôi đã nói với báo chí cần phải chấm dứt, trớ trêu thay, câu trả lời những hậu quả đó có thể là: một thảm họa chính trị".[22]

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam

Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp đã thông qua Nghị quyết (sau được Trung ương Đảng thông qua và coi là Nghị quyết Trung ương 14): “Đã đến lúc cần động viên những cố gắng lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển mới, thực hiện tiến công và nổi dậy đồng loạt để giành thắng lợi quyết định"[23].

Qua nghiên cứu tình hình cách bố trí lực lượng cuối năm 1967, Tổng Quân ủy cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vạch ra kế hoạch chiến lược năm 1968 là: Thực hiện cuộc tiến công đồng loạt vào thành phố, thị xã kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng mở đầu cho một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị - Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Cùng với đó, thực hiện đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, phân tán lực lượng, tiêu diệt địch mà chiến trường chính là hướng Đường 9 - Khe Sanh. Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh sẽ thực hiện nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền Nam, trước hết là khu vực Trị-Thiên-Huế thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược trên, ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Theo quyết định trên, Thiếu tướng Trần Quý Hai Phó tổng tham mưu trưởng làm tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy mặt trận.

Quân ủy Trung ương và Bộ tổng tư lệnh, Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị ra nghị quyết chỉ rõ: Trong Xuân - Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở đường 9 và phát triển vào Trị - Thiên - Huế. Thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ - ngụy ra Đường 9 càng nhiều càng tốt.

Đối với phía Mỹ, cho đến nhiều thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, mục đích thực sự của Quân Bắc Việt trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vẫn còn là một điều bí ẩn. Tướng Westmoreland vẫn tin mục đích chính của QĐNDVN là chiếm giữ Khe Sanh và tạo nên một "trận Điện Biên Phủ mới". Theo đó thì đây chính là nguyên nhân vì sao QĐNDVN tập trung một lực lượng rất lớn cho trận đánh này (4 sư đoàn, trong đó 2 sư đoàn trực tiếp bao vây Khe Sanh). Nhiều ý kiến khác lại cho rằng lực lượng quanh Khe Sanh đơn giản chỉ để phục vụ mục đích phòng thủ cục bộ tại Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, hoặc để dự phòng trong trường hợp một cuộc tấn công ra miền Bắc của quân Mỹ tương tự như Trận Inchon trong Chiến tranh Triều Tiên. Theo John Prados và Ray Stubbe thì "hoặc có thể cuộc Tổng tiến công Tết là một đòn đánh lạc hướng nhằm phục vụ cho sự chuẩn bị của Quân Bắc Việt cho một trận đánh quyết định tại Khe Sanh, hoặc Khe Sanh là một đòn đánh lạc hướng để thu hút sự chú ý của Westmoreland trong những ngày trước Tết".[24]

Sau này, việc đối chiếu với các tài liệu của QĐNDVN đã cho thấy vế thứ hai là chuẩn xác, có nghĩa là Westmoreland thực sự đã bị đối phương dùng kế nghi binh đánh lạc hướng.[25] Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm 1994 của 1 đại tá Hoa Kỳ, đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: ông biết khả năng không quân của Mỹ là cực mạnh khiến việc lặp lại Điện Biên Phủ là không thể, mục tiêu thực tế mà ông theo đuổi là gây cho quân Mỹ thương vong lớn khiến họ phải sa lầy, nhụt chí và cuối cùng phải tự rút khỏi đó. Thực tế ông đã đạt được mục tiêu đó sau 6 tháng giao chiến khiến quân Mỹ liên tục bị tiêu hao sinh mạng ở mức độ cao.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh http://www.historynet.com/battle-of-khe-sanh-recou... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/wars_conflicts/vietnam_w... http://www.presidentprofiles.com/Kennedy-Bush/Lynd... http://www.library.vanderbilt.edu/central/Brush/Kh... http://www.khesanh.org/40th/feb-68.html http://www.pbs.org/battlefieldvietnam/timeline/ind... http://www.vva.org/veteran/0807/khesanh.html http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008...